Phân biệt 빠르다 và 이르다
Từ khi chuyển mình vào giai đoạn “phát triển thần kỳ”, Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói, phụ thuộc đã vươn mình đứng dậy trở thành một đất nước phát triển trên mọi mặt. Cũng không biết từ lúc nào mà đất nước Hàn Quốc đã tự mặc định cho mình trở thành một dân tộc “sống nhanh” với những con người “성격이 급하다” (có tính cách nóng vội, gấp gáp). Bởi thế nên có nhiều bạn nước ngoài học tiếng Hàn đã nói đùa với nhau rằng: Khi bắt đầu sang Hàn Quốc, sau câu chào hỏi 안녕하세요 thì câu được nghe nhiều nhất là 빨리 가자 (Đi nhanh lên), 빨리 먹자 (Ăn nhanh lên), 빨리 하자 (Làm nhanh lên)…
Có thể ban đầu, khi không quen với cường độ làm việc và luồng sống gấp ấy, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, bức bối. Nhưng khi đã sống và cùng làm việc với những con người Hàn Quốc chăm chỉ, cần cù thì ta mới nhận ra rằng: “sống nhanh” ở đây không phải là “sống gấp” mà là lối sống rảo bước với nhịp quay của thời gian, thời đại, là cách sống biết trân trọng thời gian và coi đó như nguồn tài nguyên vô giá nhất. Phải chăng, đó cũng chính là một trong những nhân tố làm nên sự “phát triển thần kỳ” của dân tộc Hàn Quốc.
>> Xem thêm:
Như chúng ta đã biết, trong tiếng Hàn 빠르다 được định nghĩa là nhanh (fast) và 이르다 được định nghĩa là sớm (early). Nhìn vào các từ tiếng Anh tương ứng có thể thấy hai từ đã được phân định vô cùng rõ ràng về mặt ngữ nghĩa nhưng trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả người Hàn Quốc nhiều khi cũng nhầm lẫn hai từ này với nhau. Thầy giáo nhìn thấy học sinh đi học sớm hơn so với thường ngày thì hỏi: “오늘은 왜 이렇게 빨리 왔니?”.
빠르다 được dùng chỉ cho những hành động, sự di chuyển tiêu tốn mức thời gian ngắn hơn so với thông thường. Ví dụ:
비행기가 기차보다 훨씬 빠르다 -> Máy bay chạy nhanh hơn nhiều so với tàu hỏa.
말이 빨라서 알아듣기가 어렵다 -> Nói nhanh quá nên không nghe rõ.
Như vậy, 빠르다 luôn liên quan tới tốc độ hoạt động của sự vật, sự việc. Có những trường hợp không thể “tính toán” tốc độ rõ ràng mà chỉ những quá trình tốn ít thời gian hơn so với dự kiến, suy đoán ta cũng có thể dùng 빠르다. Ví dụ:
승진도 빠른 편이고 돈도 꽤 벌었다 -> Anh ta thăng tiến cũng nhanh mà kiếm tiền cũng khá.
자금 회전이 빠르다 > Vốn quay vòng nhanh.
건강이 빠르게 회복되고 있다 -> Sức khỏe hồi phục nhanh.
Học tiếng Hàn phân biệt 빠르다 và 이르다
>> Xem thêm:
Ngoài các trường hợp dùng cho tốc độ và thời gian 빠르다 còn được dùng để ám chỉ sự thông minh, nhanh nhẹn trong năng lực phán đoán, suy nghĩ của con người. Ví dụ:
김선생님은 상황 판단이 빠르다 -> Thầy Kim phán đoán tình hình rất nhanh.
눈치 빠른 녀석이라 실수 없이 해낼거야-> Vì nó là đứa nhanh nhẹn, tháo vát nên sẽ làm tốt mà không có lỗi lầm nào đâu.
그는 계산이 빠른 사업가로 알려져 있다 -> Ông ta được biết đến là nhà kinh doanh tính toán rất nhanh.
Bên cạnh đó, 이르다 được dùng khi đối chiếu với một điểm cố định, được quy định sẵn nào đó nhưng sự vật, sự việc lại vượt xa so với điểm quy chiếu đó. Ví dụ trong câu sau:
반팔옷을 입기에는 아직 이른 계절이다 -> Mùa này mặc áo cộc tay hãy còn sớm quá.
Việc mặc áo ngắn tay bây giờ là chưa thích hợp, chưa “đúng” với quy định về thời tiết và “mùa”. Như vậy, từ 이르다 liên quan tới thời điểm xảy ra sự việc (được đặt trong quan hệ so sánh tương tác với thời điểm quy chiếu).
Có một vấn đề là không phải lúc nào cũng định ra được những “điểm quy chiếu rõ ràng”. Trong trường hợp không đưa ra điểm quy chiếu đó, người ta sẽ phán đoán các tiêu chuẩn của hệ ý thức được quy ước ngầm giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân và xã hội. Ví dụ:
일을 그만두고 집에서 쉬기에는 아직 이르다 -> Chuyện nghỉ làm ở nhà vẫn còn sớm.
우리 회사는 출근 시각이 이르다 -> Giờ làm việc của công ty chúng ta sớm quá.
Như vậy, thông qua 이르다 ta cũng có thể phán đoán được những điểm chung, những “điểm quy chiếu” mang tính chất xã hội. Ngoài ra 이르다 khi trở thành định ngữ (bổ nghĩa cho danh từ) trong câu sẽ mang nghĩa 갓 시작된, 빠른, 첫 (thời điểm mới bắt đầu, nhanh, đầu tiên). Ví dụ:
이른 아침이라 인적이 드물었다 -> Buổi sáng sớm nên ít thấy bóng người.
Để phân biệt 빠르다 với 이르다 người ta còn đặt hai từ này với các từ trái nghĩa, như: từ tương ứng với 빠르다 là 느리다 (chậm, slow), từ tương ứng với 이르다 là 늦다 (muộn, late). Hoặc có thể đổi hai tính từ này thành phó từ (phó từ chỉ mức độ, cách thức, bổ nghĩa cho động từ trong câu) như: 빠르다 đổi thành 빨리, 이르다 đổi thành 일찍.
Tuy nhiên trong cuộc sống, nếu để ý ta sẽ thấy có những trường hợp đáng lẽ phải dùng 이르다 nhưng người Hàn Quốc vẫn dùng 빠르다. Ví dụ:
그렇게 단정 짓기는 아직 빠르다 ->Kết luận như thế là còn sớm.
서른 둘은 새로운 인생을 출발하기에 결코 빠른 나이가 아니다 ->Bắt đầu một cuộc sống mới ở tuổi 32 không còn là việc sớm sủa nữa.
Xét về mặt ngữ âm, phát âm 빠르다 mạnh hơn 이르다 nên trong những trường hợp cần nhấn mạnh người ta vẫn có thể “di động” dùng 빠르다 để truyền tải hết ý nghĩa của lời nói.
Còn trong những trường hợp như:
그의 군입대는 나보다 1년 빠르다 -> Anh ta nhập ngũ sớm hơn tôi một năm.
우리의 목표는 되도록 빠른 시일 안에 20만 달러를저축한다는 것이었다 ->Mục tiêu của chúng ta là tiết kiệm 200 nghìn đô la trong thời gian nhanh nhất có thể.
Đây là các trường hợp đề cập đến thời điểm nhưng thời điểm này không mang tính chất quy ước xã hội mà là các tiêu chuẩn dựa theo hoàn cảnh, điều kiện của mỗi cá nhân nên dùng 빠르다 là hoàn toàn hợp lý.
Ta có thể tổng hợp các điểm khác nhau của 빠르다 và 이르다 như sau:
빠르다 Thời gian tiêu tốn ngắn (Từ trái nghĩa là 느리다, Phó từ 빨리)
이르다Vượt quá so với mốc, điểm tiêu chuẩn (Từ trái nghĩa là 늦다, Phó từ 일찍)